Mầm non Hoa Cúc

https://mnhoacuc.tptdm.edu.vn


Người Nhật dạy kỹ năng sống cho trẻ như thế nào

Người Nhật dạy kỹ năng sống cho trẻ như thế nào

Người Nhật quan niệm dạy kỹ năng sống cho trẻ không phải bắt đầu từ khi trẻ đi học, mà được dạy ngay từ khi trẻ mới sinh ra. Vì lẽ đó, cha mẹ chính là những người thầy đầu tiên và quan trọng nhất để dạy trẻ những kỹ năng ấy.

Kỹ năng đầu tiên mà người Nhật dạy con trẻ chính là trải nghiệm cùng thiên nhiên để thích ứng với môi trường và học hỏi từ thế giới tự nhiên. Trẻ mới 2 tháng tuổi đã được bế đi dạo để cảm nhận khí trời buổi sớm, hay trẻ tầm 3 - 4 tháng trở đi mà cha mẹ cứ để bé đầu trần, được mẹ địu dưới cái nóng bức, dưới cái rét mùa đông, dưới cái mưa nhẹ mà chẳng cần mũ. Trẻ tiếp xúc và làm quen với môi trường thiên nhiên ngay từ nhỏ giống như một cách giúp tăng sức đề kháng. Nhờ vậy, cha mẹ nuôi dưỡng được những đứa trẻ khỏe mạnh, rắn rỏi, rất ít ốm và luôn thích hoạt động ngoài trời.

Khi trẻ lớn thêm chút nữa là cho trẻ có nhiều cơ hội tiếp xúc gần gũi với thiên nhiên, quan sát thiên nhiên để học hỏi. Để dạy trẻ biết trân trọng sự sống họ cho trẻ tập trồng hoa, trồng cây, nuôi thú hay thường xuyên dẫn đi các vùng ngoại ô để làm quen với động vật. Những dịp cuối tuần hay kỳ nghỉ họ cho trẻ đi câu cá, nghịch ở sông, bắt ve bắt bướm. Cùng với đó, cha mẹ cho tập luyện các môn thể thao ngoài trời dù nắng hay mưa hay tuyết để tôi rèn nghị lực cho bản thân, yêu thích thể thao và nâng cao sức khỏe.

Để dạy kỹ năng sống cho con, cha mẹ để trẻ tự do thể hiện ý chí của mình thay vì áp đặt. 3 tuổi, mẹ tích cực dạy trẻ giúp việc nhà phù hợp với khả năng. Bởi vì thông qua từng việc nhỏ ấy sẽ nuôi dưỡng cho trẻ sự tự tin, tinh thần tự chủ và yêu lao động, suy nghĩ tích cực, đồng thời trẻ sẽ học hỏi cho mình cách giải quyết vấn đề. Bên cạnh đó, cha mẹ coi trọng việc giáo dục đạo đức trong gia đình, vun đắp kỹ năng giao tiếp với mọi người.

Kiên nhẫn để lắng nghe và trò chuyện cùng con khi con phản kháng - đây là một kỹ năng quan trọng nhất mà người Nhật dùng nó để giao tiếp cùng con. Không chặn họng khi con đang nói, không gạt phăng đi phản đối hay quát mắng khi con vừa mới nói ra ý kiến của mình. Thay vào đó hãy học cách kiềm chế bằng cách im lặng trong 6 giây đầu tiên để kìm nén cơn giận, sau đó mở rộng cách nhìn nhận để thừa nhận mong muốn và chủ kiến của con trước khi đưa ra ý kiến phản đối hoặc lời khuyên của mình cho con.

Và cuối cùng, cha mẹ Nhật luôn dành tối đa thời gian để chơi cùng con. Ngày nay hầu như đàn ông Nhật nào cũng giác ngộ điều cơ bản là chăm con và chơi với con, không hiếm cảnh người bố vừa địu, vừa dắt con đi học hay đi chơi. Và họ rất chịu khó chơi cùng con cái, nhất là những môn cần đến vận động như leo trèo, đạp xe, chơi bóng. Chơi cùng con chính là một cơ hội tuyệt vời để cha mẹ dạy các kỹ năng mềm cho con. Thay vì đẩy hết trách nhiệm cho nhà trường, với người Nhật, dạy con các kỹ năng mềm cơ bản là trách nhiệm đầu tiên của chính mình.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây